Xử lý khi có cháy nổ

I. Phản ứng khi xảy ra cháy nổ trong nhà máy / Tòa nhà.

Khi có cháy hoặc hệ thống báo cháy kích hoạt báo động cháy, bảo vệ (được đào tạo về nghiệp vụ PCCC) cần hết sức bình tĩnh để xử lý trình tự theo các bước sau:

  1. Xác định vị trí báo cháy thông qua bảng hiển thị tại trung tâm xử lý báo cháy.
  2. Nhanh chóng có mặt kịp thời tại hiện trường địa điểm báo cháy để xác định tính chất vụ cháy: Báo cháy giả hay báo cháy thật, cháy lớn hay cháy nhỏ và có khả năng bùng phát thành đám cháy lớn hay không.?.
  3. Nếu là báo cháy giả thì ngay lập tức kích hoạt câu lệnh báo cháy giả hoặc dùng loa hệ thống để thông báo cho mọi người trong tòa nhà được biết để tiếp tục làm việc bình thường sau đó khắc phục hệ thống.
  4. Nếu là có đám cháy thật thì nhanh chóng huy động tập trung lực lượng tại chỗ để dập tắt đám cháy, bên cạnh đó cắt nguồn điện tại khu vực có cháy, hướng dẫn mọi người di tản ra lối thoát hiểm gần nhất.
  5. Nếu xét thấy không có khả năng khống chế dập tắt đám cháy, và đám cháy có thể bùng phát lớn phải gọi ngay lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp 114, đồng thời di dời các vật dễ cháy xung quanh để cô lập đám cháy và di dời tài sản có giá trị ra ngoài.
  6. Trong quá thời gian chờ lực lượng chữa cháy 114 đến, bảo vệ dùng loa cầm tay hướng dẫn mọi người cách thoát hiểm và hướng thoát hiểm gần nhất.
  7. Giữ an ninh trật tự xung quanh tòa nhà, duy trì thông thoáng giao thông cho xe chữa cháy đến.
  8. Hướng dẫn mọi người thoát hiểm tập kết tại một địa điểm tập kết để thực hiện điểm danh để xác định người còn thiếu, mắc kẹt bên trong.
  9. Kiểm soát chặt chẽ cổng ra vào và tình hình xung quanh nhằm ngăn ngừa kẻ xấu lợi dụng trộm cắp, tẩu tán tài sản công ty. Người công ty phải tập kết tại một điểm trong phạm vi tòa nhà, không được ra ngoài và người ngoài không được vào bên trong.
  10. Khi xe chữa cháy đến, lực lượng bảo vệ hỗ trợ, hướng dẫn lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp để công tác chữa cháy nhanh chóng và hiệu quả.
  11. Tổ chức ổn định trật tự nơi tập trung di tản tránh để cho người di chuyển đi lại, hiếu kỳ gây ảnh hưởng công tác chữa cháy.
  12. Tổ chức bảo vệ hiện trường phục vụ cho công tác điều tra.
  13. Lập biên bản ghi nhận sự việc làm cơ sở báo cáo Ban Giám Đốc và phục vụ cho công tác điều tra nguyên nhân về sau.
  14. Tổ chức ổn định trở lại làm việc hoặc di chuyển cán bộ công nhân viên ra về theo chỉ đạo của người có thẩm quyền tại tòa nhà.

II. Phương pháp thoát hiểm trong đám cháy.

  • Yếu tố quan trọng để con người thoát khỏi đám cháy là bình tĩnh và nhanh nhẹn thực hiện theo đúng phương pháp, kỹ năng thoát nạn để xử lý các tình huống xảy ra. Phải tuân thủ nguyên tắc cúi thấp người khi di chuyển vì khói luôn bay lên cao. Đôi lúc, cần bò dưới sàn nếu lượng khói tập trung nhiều, để tránh ngạt rồi thoát ra ngoài.
  • Để chống nhiễm khói, nên lấy khăn thấm nước che kín miệng và mũi để lọc không khí khi hít thởhoặc sử dụng mặt nạ chống khói. Muốn thoát ra khỏi đám lửa, dùng chăn, mền nhúng nước trùm lên người và chạy nhanh ra ngoài, tránh để lửa bén vào trang phục.
  • Cần nhanh chóng di chuyển đến lối thoát nạn an toàn, là lối ra không bị khói, bụi, sản phẩm cháy che phủ, không bị các tác động nguy hiểm của đám cháy uy hiếp tới tính mạng. Lối này có thể là cửa đi, hành lang dẫn tới các khu vực an toàn hoặc lối dẫn tới cầu thang bộ, lối ngang dẫn sang công trình liền kề…
  • Khi thoát ra ngoài cửa sổ hay hành lang hãy gây chú ý với nhân viên cứu hỏa bằng cách vẫy tay, la hét. Nếu bị lửa làm cháy quần áo, phải ngưng chuyển động, che mặt, nằm xuống và lăn qua, lăn lại cho đến khi lửa được dập tắt. Không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy bùng thêm. Không nhảy vào hồ bơi, bể chứa hay thùng nước vì nước có thể bị nấu sôi khi bị lửa tác động.

III. Cứu người kẹt trong đám cháy.

  • Khi hỏa hoạn xảy ra, đầu tiên người ở bên ngoài cần gọi điện cho lực lượng phòng cháy chữa cháy để yêu cầu hỗ trợ.
  • Trong quá trình chờ đợi, nếu nóng ruột, muốn cứu người mắc kẹt bên trong, hãy bình tĩnh và chú ý cân nhắc một số yếu tố sau đây:
  • Quan sát đám cháy, hướng vào cứu đã bị cháy nhiều hay chưa?

  • Khói độc đã phát ra nhiều hay chưa?
  • Khi cứu được người thì lối thoát như thế nào?
  • Trong trường hợp hiện trường vụ cháy có ít khói khí độc và lửa thì nên nhanh chóng vào trong tìm kiếm người. Đặc biệt, phải chuẩn bị sẵn những vật dụng cần thiết như khăn ướt, chăn/màn ướt, đèn pin… trong quá trình vào trong đám cháy.
  • Khi đi vào trong, cần hạ thấp người, dùng khăn thấm ướt che phần mũi, miệng để hạn chế hít phải khí độc vì thực tế, khí độc là nguyên nhân gây tử vong cao và nhanh hơn so với bị phỏng và cháy.
  • Phải dùng chăn, mền nhúng nước trùm toàn bộ cơ thể để tránh bị cháy quần áo gây bỏng da.
  • Trong quá trình tìm kiếm, cần gọi to tên người cần tìm để họ biết và kêu cứu bởi có thể người bị kẹt trong đám cháy đã chạy sang một vị trí khác để tìm lối thoát hiểm chứ không ở vị trí thông thường như khi không có cháy.
  • Để đảm bảo việc quan sát trong điều kiện có nhiều khói, tốt nhất nên mang theo đèn pin khi đi tìm người thân.
  • Khi cần đi qua các cánh cửa, cần chạm vào tay nắm cửa (nếu tay nắm cửa nóng thì lửa đã bao trùm trong phòng) và thận trọng khi mở cửa tìm kiếm.
  • Ngoài ra, trên đường vào cứu, nếu có bình chữa cháy tại chỗ thì nên sử dụng bình chữa cháy dập tắt lửa để rộng đường đi và có thêm thời gian tìm kiếm.
  • Khi tìm được người, hãy giúp họ trùm những tấm chăn/màn nhúng ướt và đi ra càng nhanh càng tốt.
  • Cần lưu ý, nếu quần áo bị bắt lửa, hãy dừng lại và thả bớt quần áo ra hoặc nằm xuống đất lăn qua, lăn lại để dập lửa. Tuyệt đối không được chạy vì gió có thể làm lửa cháy lớn hơn.
  • Điều mà mọi người cần nhớ khi sơ cứu những người bị bỏng lửa là lập tức đặt vị trí cơ thể bị bỏng dưới vòi nước mát từ khoảng 10-15 phút để giảm nhiệt, giảm đau… và chờ cấp cứu y tế.
  • Trong trường hợp đám cháy đã bùng lên quá lớn, và bạn cảm thấy rằng việc vào trong đám cháy cứu người không đảm bảo an toàn thì hãy kiên nhẫn chờ đội đội cứu hộ chuyên nghiệp.

Phòng Nghiệp Vụ Bảo Vệ Cty Sepre – 02743776460)

0908002389